Trên thế giới Khẩn_Na_La

Tại Ấn Độ

Khẩn Na La trong một di chỉ ở Ấn Độ

Khẩn Na La được nối kết thần bí với ngựa. Chuyện cổ tích Ấn Độ đề cập đến chúng như là những sinh vật đầu ngựa, cụ thể là đề cập đến một Asura với đầu ngựa, kẻ được biết đến như Hayagreeva (trong tiếng Phạn có nghĩa là người đầu ngựa gồm haya: ngựa và greeva: đầu). Asura bị giết chết bởi một hóa thân của thần Vishnu, cũng có đặc điểm hình dạng tương tự của người đầu ngựa. Sử thi Mahabharata đề cập đến Kinnara, không như những sinh vật đầu ngựa nhưng là những sinh vật nửa người nửa ngựa giống như quái vật đầu người mình ngựa.

Theo truyền thuyết ở Ấn Độ cổ đại, Khẩn Na La là một trong những bộ tộc cùng với các Deva (bao gồm Rudras, Maruts, Vasus và Adityas), Asura (bao gồm Daityas, Danavas và Kalakeyas), Pisachas, Gandharvas, Kimpurushas, Vanaras, Suparnas, Rakshasas, Bhutas và Yakshas. Thiên sử thi cũng ám chỉ chúng như là nhóm phụ của những Gandharva (Càn Thát Bà). Kinnara là những cư dân của vùng núi Himalaya. Ngọn núi Mandara ở vùng Himachal Pradesh được cho là nơi ở của những Kinnara, được ghi nhận ở Đế quốc Gupta

Cư dân của vùng đồng bằng sông Hằng cho rằng Kinnara là hạng sinh linh phi phàm. Bộ tộc Kinnara sống ở vùng Kinnaur của bang Himachal Pradesh, một nhóm người còn sống ở đây vẫn được gọi là Kinnaur được cho là hậu duệ của bộ lạc Kinnara cổ xưa. Truyền thuyết về nguồn gốc Kinnara là những nhóm quân của Ila, vị vua bị biến thành nữ giới bởi một lời nguyền rủa. Sau đó, trở thành vợ của vị ẩn sĩ tên là Budha. Những người lính xa xưa trở thành Kinnara được cho là do lời nguyền của ẩn sĩ Budha.

Mahabharata và những chuyện cổ tích Ấn Độ mô tả vùng phía Bắc Himalaya như là nơi ở của những Kinnara. Vùng đất này cũng là nơi cư ngụ của bộ lạc Kamboja. Họ là những chiến binh có kỹ năng cưỡi ngựa và sử dụng ngựa chiến thiện nghệ. Một vài người trong số họ chuyên đi cướp bóc, xâm chiếm những ngôi làng định cư, mà để tấn công, đột kích họ buộc phải có một lực lượng kỵ binh thiện chiến. Thần thoại về Kinnara có lẽ đến từ những kỵ binh này.

Kinnari xuất hiện sớm nhất trong thần thoại Bà-la-môn giáo với vai trò của thần linh cấp thấp. Các nàng được mô tả là những nữ nhân chuyên ca hát, vốn gốc là loài chim nên thường có giọng hát mượt mà. Cùng với nhạc công Gaudhava và vũ công Apsara, Kinnari hợp thành bộ ba chuyên múa hát và dâng rượu cho các đại thần linh trên thiên giới. Theo quan niệm của Bà-la-môn giáo, Kinnari là một trong ba sinh vật biểu tượng cho cuộc sống vĩnh hằng, hoan lạc và bất tử của các đại thần linh Bà-la- môn giáo như Brahma, Vishnu, Shiva và Indra.

Đông Á

Tượng Khẩn Na La được trang trí tinh xảo theo phong cách của Trung Quốc

Vùng Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) cũng ảnh hưởng hình tượng này từ Ấn Độ. Nguyên chỉ cho các vị thần trong thần thoại Ấn Độ, sau được Phật giáo dung nạp và xếp vào bộ thứ 7 trong Thiên long bát bộ thường theo hầu nghe giáo pháp một cách cung kính mỗi khi Phật giảng kinh Đại thừa. Trong Phật giáo Bắc tông (Mahayana Buddhism), Kinnari xuất hiện trong Diệu pháp Liên Hoa kinh (Lotus Sutra) với tên gọi là Càn Thát Bà. Trong các kinh Đại thừa, tên vị thần này thường được kể trong số thính chúng nghe Phật nói pháp.

Theo Hoa nghiêm kinh thám huyền ký thì hình dáng của vị thần này giống như người, nhưng trên đỉnh đầu có một cái sừng giống người mà không phải là người, giống thiên thần mà không phải là thiên thần, khiến mọi người cảm thấy hoang mang, nghi ngờ, nên ngài được gọi là Nghi thần. Vị thần này có thanh âm hay ca múa rất giỏi. Người đứng đầu Khẩn Na La chính là Khẩn Na La Vương. Theo Hoa nghiêm kinh sớ, vị thần này là Nhạc thần chấp pháp của Thiên đế. Trong Mật giáo, vị thần này là quyến thuộc của Câu-tỳ-la.

Hồi Đức Phật Thích Ca giảng kinh Diệu pháp liên hoa, có bốn vị vua Khẩn Na La đến chầu nghe pháp, dắt theo cả trăm ngàn quyến thuộc trong loài Khẩn Na La. Bốn vị vua ấy là: Pháp (Dharmadhara) Khẩn Na La vương, Diệu pháp (Sudharma) Khẩn Na La vương, Đại pháp (Mahadharma) Khẩn Na La vương, Trì pháp (Druma) Khẩn Na La vương. Trong 32 ứng thân Quán Thế Âm Bồ Tát thì ứng thân thứ 29 là Khẩn Na La.

Ở núi Thập Bảo thì Khẩn Na La là thần hộ pháp Phật giáo, một hạng chúng sanh có tài tấu nhạc, thường tấu nhạc liên quan đến giáo pháp. Khi các thiên thần cử hành pháp hội, Khẩn Na La thường đảm nhiệm công việc diễn tấu âm nhạc. Đạo tràng âm nhạc trang nghiêm là nơi Khẩn Na La diễn tấu. Trong bức vẽ Mạn đồ la (Madolo) thì vị thần này ngự ở lớp thứ 3 phía Bắc. Trong Hiện đồ Mạn-đồ-la, vị thần này ngự ở phía Bắc ngoại viện Kim Cang bộ, phía Bắc chúng Ma-hầu-la-già có hai Khẩn Na La, hình tượng đều có màu da người.

Trong Tuệ lâm âm thì nó là Chân Đà La, cổ viết là Khẩn Na La, Âm Lạc Thiên, có giọng nói thánh thót, trong trẻo, có thể ca hát nhảy múa, nữ thường là vợ của Càn Đạt Bà Thiên. Truyền thuyết về họ có rất nhiều và tuồng như bảo lưu thuộc tính Kinnara/Kinnari của thần thoại Ấn Độ như có 500 vị tiên vì nghe thấy tiếng hát của các cô gái Khẩn Na La đang tắm mà mất cả thiền định, trong lòng say mê rối loạn mê mẩn tâm thần mà lộn cổ xuống từ trời cao. Khẩn Na La biểu diễn tài nghệ trước Phật, khiến cho các đồ đệ Phật ở xung quanh đều hoa chân múa tay, mất hết uy nghi.

Cặp đôi Kinnara-Kinnari là đôi tình nhân bất diệt, rất được yêu quý không bao giờ tách rời nhau. Kinnara và Kinnari mãi là một cặp vợ chồng, nhưng không bao giờ trở thành bố thành mẹ: Không có một đứa trẻ nào được thể hiện bên cạnh chúng. Chúng không được phép sự yêu thương bất kỳ một sinh vật thứ ba nào. Truyện Ngưu Lang và Chức Nữ trong văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, được coi là phiên bản của một chuyện tình giữa một thế nhân và nàng Kinnari, là dị bản của truyện Kinnari Manohara phổ biến ở các quốc gia Phật giáo Nam truyền Đông Nam Á.

Liên quan